Hoạt động chất vấn ở một số nghị viện trên thế giới và một số gợi mở cho Việt Nam

Hồ Thị Hương


Tóm tắt: Trong phạm vi bài viết này, tác giả trình bày thực tiễn hoạt động chất vấn ở nghị viện các nước Úc, Anh, Canada và rút ra một số gợi mở nhằm nâng cao chất lượng chất vấn ở Quốc hội Việt Nam hiện nay.
Từ khóa:
Chất vấn, Quốc hội, nghị viện, giám sát, trách nhiệm giải trình.
Abstract:
Within the scope of this article, the author presents the practice of questioning in the parliaments of Australia, the United Kingdom and Canada and also provides an number of recommendations for further improvements of the quality of questioning in the National Assembly of Vietnam.
Keywords:
Questioning; National Assembly; parliament; supervision; acountability.

ha-vien-uc

Ảnh minh họa: Nguồn internet

1. Hoạt động chất vấn ở nghị viện một số nước trên thế giới hiện nay

1.1. Hoạt động chất vấn ở Nghị viện Úc

Hạ viện Úc dành khoảng hơn 1 giờ mỗi ngày (ngày họp phiên toàn thể) để các Hạ nghị sĩ chất vấn trực tiếp các Bộ trưởng. Thực tế, phiên chất vấn chính là thời điểm phòng họp có đông đảo Hạ nghị sĩ nhất trong ngày, đồng thời cũng là dịp thu hút nhiều sự quan tâm của giới truyền thông và cử tri. Trở thành tâm điểm của dư luận xã hội, nên phiên chất vấn cũng là lúc đấu tranh chính trị giữa đảng cầm quyền và đảng đối lập trở nên căng thẳng; đồng thời cũng là cơ hội để các Hạ nghị sĩ nêu những vấn đề cấp bách, bức thiết để đòi hỏi Chính phủ giải quyết.

Thủ tướng Úc cùng các Bộ trưởng có quyền quyết định thời gian diễn ra phiên chất vấn, tuy nhiên, việc giới hạn thời gian hay từ chối mở phiên chất vẫn sẽ dẫn đến chỉ trích từ các nghị sĩ cũng như công luận. Từ năm 2011, năm hoạt động đầy đủ đầu tiên của Quốc hội khóa 43, với những quy định mới về giới hạn thời lượng cho câu hỏi và câu trả lời, thời gian phiên chất vấn thường là 70 phút. Trong những năm gần đây, mỗi phiên chất vấn trung bình sẽ có 19 câu hỏi[1].

Trong phiên chất vấn, Chủ tịch Hạ viện sẽ luân phiên chỉ định các nghị sĩ đặt câu hỏi, thường sẽ bắt đầu từ Hạ nghị sĩ thuộc phe đối lập, sau đó đến Hạ nghị sĩ thuộc phe cầm quyền, và cố gắng cân bằng lượt phát biểu của hai phe này. Các Hạ nghị sĩ độc lập cũng sẽ được luân phiên chỉ định theo tỷ lệ số ghế trong Quốc hội[2]. Thời lượng cho mỗi câu hỏi thường là 30 giây, mỗi câu trả lời giới hạn trong 3 phút. Thư ký Hạ viện, các Bộ trưởng, Chủ tịch Hạ viện không đặt câu hỏi.

Theo thông lệ, không được đặt câu hỏi về các vấn đề bên ngoài phạm vi trách nhiệm mà Thủ tướng, Bộ trưởng phải chịu trách nhiệm trước Quốc hội. Một câu hỏi đã được trả lời đầy đủ sẽ không còn được hỏi lại để tránh trùng lặp. Tuy nhiên, các câu hỏi có thể tham chiếu đến một câu hỏi khác đã được trả lời trước đó. Các Hạ nghị sĩ cũng thường gửi câu hỏi bằng văn bản yêu cầu các Bộ trưởng cập nhật thêm thông tin về câu hỏi đã được hỏi trước đó.

Với những câu hỏi đòi hỏi nhiều thông tin chi tiết, không thể giải đáp ngay lập tức mà không có sự chuẩn bị, Chủ tọa sẽ đề nghị chuyển câu hỏi vào Tài liệu Thông báo. Các thành viên Chính phủ sẽ trả lời các câu hỏi này một cách đầy đủ, chi tiết bằng văn bản.

Các Hạ nghị sĩ có thể đặt câu hỏi cho thành viên Chính phủ bằng văn bản. Câu hỏi sẽ được ghi trong Tài liệu Thông báo theo đúng thứ tự gửi đến Hạ viện. Trong Tài liệu Thông báo, mỗi câu hỏi đều được đánh số và số hiệu đó sẽ giữ nguyên không đổi cho đến khi có câu trả lời đầy đủ. Thông thường, tài liệu thông báo của mỗi ngày sẽ chỉ in những câu hỏi mới nhất được gửi tới từ ngày hôm trước, cùng với số hiệu của những câu hỏi chưa được trả lời. Ngoài ra, một phiên bản điện tử của tài liệu thông báo được đăng tải trên website của Hạ viện, trong đó cập nhật hàng ngày và hiển thị đầy đủ những câu hỏi chưa được trả lời.

Nếu sau 60 ngày kể từ khi xuất hiện trên văn bản thông báo mà câu hỏi vẫn chưa được trả lời, cuối phiên chất vấn, Hạ nghị sĩ đặt câu hỏi có thể kiến nghị Chủ tịch Hạ viện gửi văn bản đến Bộ trưởng để hỏi lý do chậm trễ trả lời. Sau đó, những phản hồi của Bộ trưởng sẽ được chuyển tiếp tới Hạ nghị sĩ đặt câu hỏi[3].
Đối với việc trả lời câu hỏi, các thành viên Chính phủ không bắt buộc phải trả lời các câu hỏi, nhưng việc sử dụng quyền từ chối tương đối hiếm xảy ra. Nếu không muốn trả lời một câu hỏi trên tài liệu thông báo, Bộ trưởng có thể bỏ qua câu hỏi đó, bất chấp những lời nhắc nhở. Sau cùng, câu hỏi sẽ mất hiệu lực khi thành lập Nghị viện hoặc giải tán Hạ viện. Bộ trưởng cũng có thể trả lời bằng văn bản rằng thông tin mà Hạ nghị sĩ cần hiện không có sẵn, và thời gian, nguồn lực để truy vấn thông tin đó là không thỏa đáng trong bối cảnh hiện tại.

Trường hợp câu hỏi liên quan đến trách nhiệm của nhiều Bộ trưởng, thì Bộ trưởng chịu trách nhiệm cao nhất đối với vấn đề đó phải trả lời. Với những câu hỏi liên quan đến trách nhiệm của một Bộ trưởng là Thượng nghị sĩ, một Bộ trưởng trong Hạ viện sẽ thay mặt trả lời. Nếu không thể trả lời thay, Bộ trưởng Hạ viện cam kết sẽ liên hệ và chuyển câu trả lời từ Bộ trưởng Thượng viện tới người được hỏi.

Các Bộ trưởng thường trả lời bằng phát ngôn ngay lập tức với những câu hỏi chất vấn không báo trước. Khi không thể làm vậy, Bộ trưởng sẽ cam kết cung cấp cho Hạ nghị sĩ đầy đủ thông tin qua câu trả lời bằng văn bản, hoặc đề xuất bổ sung câu hỏi vào tài liệu thông báo.

Các Bộ trưởng có thể kiến nghị Chủ tọa trao đặc quyền được sửa lại hoặc bổ sung thêm thông tin hoàn thiện câu trả lời. Ngoài ra, thông tin đính chính hoặc bổ sung có thể gửi tới Thư ký, đó sẽ được coi như một câu trả lời bằng văn bản.

Tại Thượng viện Úc, phiên chất vấn thường bắt đầu vào 2h chiều mỗi ngày làm việc và thường kéo dài trong 1 giờ (ngày họp phiên toàn thể). Trong những năm gần đây, mỗi phiên chất vấn như vậy thường có trung bình 35 câu hỏi[4].

Bắt đầu phiên chất vấn, theo thông lệ, Chủ tịch Thượng viện sẽ hỏi: có câu hỏi chất vấn trực tiếp nào không, các Thượng nghị sĩ muốn chất vấn sẽ đứng dậy từ vị trí của mình. Chủ tịch Thượng viện sẽ chỉ định Thượng nghị sĩ ở phe đối lập tiến hành chất vấn trước[5]. Sau khi câu hỏi đã được đặt ra, Chủ tịch Thượng viện sẽ yêu cầu Bộ trưởng chịu trách nhiệm về lĩnh vực đó trả lời. Chủ tọa luân phiên chỉ định các Thượng nghị sĩ ở phía Chính phủ và phía đối lập đặt câu hỏi.

Yêu cầu đặt ra đối với câu hỏi chất vấn là: Các câu hỏi phải ngắn gọn, liên quan đến các vấn đề các Bộ trưởng chịu trách nhiệm. Các yêu cầu về thông tin thống kê nên được đưa vào Tài liệu thông báo (Notice Paper - một tài liệu được xuất bản hàng ngày liệt kê tất cả các hoạt động của Thượng viện hoặc Hạ viện). Các câu hỏi nên tránh trích dẫn, trừ khi thật cần thiết để giúp câu hỏi trở nên rõ ràng; đồng thời, câu hỏi cũng nên tránh khuynh hướng tranh luận, quy tội, mỉa mai hoặc giả định. Không nên yêu cầu thành viên Chính phủ bày tỏ quan điểm, tuyên bố chính sách hoặc đưa ra quan điểm pháp lý. Các câu trả lời chỉ nên giới hạn ở việc cung cấp thông tin và không nên tham gia tranh luận[6].

Các câu hỏi được đặt ra cho các Bộ trưởng ở Thượng viện, thường chiếm 1/3 trong số các thành viên Chính phủ, 2/3 còn lại là các Bộ trưởng ở Hạ viện. Với các câu hỏi thuộc về lĩnh vực phụ trách của Bộ trưởng ở Hạ viện, Bộ trưởng ở Thượng viện có thể thay mặt trả lời. Danh sách các Bộ trưởng ở Thượng viện cùng lĩnh vực phụ trách của họ được công bố trong Tài liệu Thông báo. Không có quy định nào bắt buộc các Bộ trưởng phải trả lời câu hỏi chất vấn. Tuy nhiên, các Bộ trưởng đứng trước sức ép thực tế rằng cần thể hiện hiểu biết sâu sắc và chắc chắn về vấn đề họ chịu trách nhiệm thông qua việc trả lời câu hỏi về vấn đề thuộc thẩm quyền[7].

Các Thượng nghị sĩ có một phút để nêu câu hỏi, và mỗi câu trả lời sẽ được trình bày trong 2 phút. Mỗi người hỏi được phép đặt hai câu hỏi bổ sung, mỗi câu hỏi giới hạn trong 30 giây và thời gian để trả lời cho mỗi câu hỏi đó là 1 phút. Các câu hỏi bổ sung này phải liên quan trực tiếp đến câu hỏi ban đầu, hoặc xuất phát từ câu trả lời của Bộ trưởng, và được gửi tới chính Bộ trưởng vừa trả lời câu hỏi chính.

Các Bộ trưởng chịu toàn bộ trách nhiệm cá nhân đối với các câu trả lời được đưa ra khi thay mặt Bộ trưởng khác. Câu trả lời của Bộ trưởng phải liên quan trực tiếp đến vấn đề được hỏi. Chủ tịch Thượng viện là người đánh giá tính liên quan của câu trả lời đối với câu hỏi, và có quyền nhắc nhở Bộ trưởng khi câu trả lời không trúng vấn đề. Tuy nhiên, Chủ tịch không có trách nhiệm định hướng câu trả lời của Bộ trưởng, cũng không có thẩm quyền phán quyết câu trả lời đó là đúng hay sai.

Khi thấy câu trả lời của Bộ trưởng là chưa thỏa đáng, hoặc đặt ra các vấn đề cần tranh luận, các Thượng nghị sĩ có thể tranh luận trong thời gian không quá 5 phút, tổng thời gian tranh luận trong ngày không vượt quá 30 phút. Bên cạnh những câu hỏi trực tiếp tại hội trường, các Thượng nghị sĩ đều có thể gửi câu hỏi bằng văn bản bất cứ lúc nào, mỗi năm có khoảng 1200 câu hỏi như vậy. Các câu trả lời không được đọc tại hội trường, nhưng sẽ được in trong Báo cáo chính thức của Quốc hội (Hansard).

Nếu chưa được trả lời, số hiệu của câu hỏi vẫn sẽ được in trong Tài liệu Thông báo cho đến khi câu hỏi được rút lại, hoặc hết nhiệm kỳ Quốc hội. Vào ngày Thứ 5, danh sách số hiệu câu hỏi trong Tài liệu Thông báo được thay thế bằng một bản tóm tắt thể hiện ngày câu hỏi được đưa ra, số hiệu câu hỏi, Thượng nghị sĩ có trách nhiệm trả lời vào chủ đề của câu hỏi. Nếu sau 30 ngày vẫn chưa nhận được câu trả lời, người đưa ra câu hỏi có thể yêu cầu một lời giải thích vào cuối phiên chất vấn. Nếu lời giải thích chưa được xem là thỏa đáng, người hỏi có thể yêu cầu đưa ra câu trả lời và lời giải thích vào một ngày xác định. Bộ trưởng chậm trễ trả lời sẽ phải đối mặt với những chỉ trích, thủ tục này góp phần đảm bảo câu trả lời sẽ được đưa ra trong thời hạn 30 ngày kể từ khi đặt ra câu hỏi[8].

Tuy không có quy định rõ ràng về thời gian diễn ra phiên chất vấn, nhưng trong thực tế, phiên chất vấn thường kéo dài trong 1 giờ. Theo thông lệ, để kết thúc phiên chất vấn, người lãnh đạo Chính phủ trong Thượng viện sẽ đề nghị đưa các câu hỏi tiếp theo vào tài liệu thông báo.

1.2. Hoạt động chất vấn ở Nghị viện Anh

Tại Hạ viện Anh, phiên chất vấn diễn ra trong khoảng 1 giờ đồng hồ hàng ngày từ Thứ 2 đến Thứ 5 (ngày họp phiên toàn thể), sau khi tiến hành các thủ tục sơ bộ cũng như các công việc riêng. Cụ thể, phiên chất vấn diễn ra trong khoảng 2h30 đến 3h30 chiều Thứ 2, 11h30 đến 12h30 trưa Thứ 3 và Thứ 4, 9h30 đến 10h30 sáng Thứ 5. Các cơ quan của Chính phủ sẽ luân phiên trả lời tại phiên chất vấn theo thứ tự được sắp đặt, thông thường mỗi cơ quan sẽ phải trả lời chất vấn 1 lần sau khoảng 4 đến 5 tuần họp của Hạ viện[9].

Các câu hỏi chất vấn phải liên quan đến trách nhiệm của cơ quan chính phủ trả lời chất vấn. Những câu chất vấn chung thường được các Nghị sĩ trình lên trước phiên chất vấn ít nhất 3 ngày. Thứ tự chất vấn được quyết định ngẫu nhiên bằng máy tính. Vào ngày có phiên chất vấn, câu hỏi đó sẽ được in trong mục “Công việc hôm nay” trong bản Chương trình làm việc (Order Paper). Nghị sĩ được chỉ định chất vấn sẽ không đọc câu hỏi, mà chỉ đọc số hiệu câu hỏi. Sau khi Bộ trưởng trả lời, Nghị sĩ có thể hỏi thêm câu hỏi bổ sung. Các nghị sĩ khác cũng có thể được chỉ định để đặt câu hỏi bổ sung theo quyết định của Chủ tịch Hạ viện. Các câu hỏi bổ sung phải cùng chủ đề với câu hỏi ban đầu. Bộ trưởng phải lần lượt trả lời câu hỏi của từng người.

Đáng chú ý, từ 12h đến 12h30 của ngày Thứ 4, Thủ tướng Anh sẽ trả lời chất vấn trước Hạ viện. Phiên chất vấn thường bắt đầu với câu hỏi thông thường của một Nghị sĩ về các cam kết của Thủ tướng. Đây được gọi là “câu hỏi mở”, nghĩa là sau đó Nghị sĩ có thể đặt câu hỏi bổ sung về bất kỳ chủ đề nào.

Sau câu trả lời của Thủ tướng, các Nghị sĩ có thể đặt câu hỏi bổ sung về bất kỳ chủ đề nào. Sau khi có câu trả lời, Chủ tịch Hạ viện thường sẽ chỉ định Lãnh đạo phe đối lập, người được phép hỏi tối đa sáu câu hỏi. Sau đó trong phiên chất vấn, Chủ tịch Hạ viện cũng thường chỉ định lãnh đạo của đảng đối lập lớn thứ hai, người này có thể hỏi hai câu hỏi.

Hầu hết các nghị sĩ sẽ đưa ra cùng một câu hỏi về các cam kết của Thủ tướng, trong trường hợp này, chỉ tên của họ sẽ xuất hiện trên sổ câu hỏi. Sau khi câu hỏi được đặt ra, các nghị sĩ đặt trùng câu hỏi hoặc đặt câu hỏi tương tự sẽ được chỉ định để hỏi một câu hỏi bổ sung.

Về lý thuyết, Thủ tướng sẽ không biết những câu hỏi nào sẽ được đặt ra cho họ. Tuy nhiên, trong thực tế, Thủ tướng nắm bắt được thông tin từ các cơ quan của Chính phủ, nên có cơ sở để dự đoán về chủ đề của các câu hỏi chất vấn. Trong phiên chất vấn, Chính phủ tổ chức các "nhóm hỗ trợ" gồm các Nghị sĩ thân Chính phủ có nhiệm vụ hỗ trợ các Bộ trưởng trả lời các câu hỏi bằng cách hỏi các câu hỏi hữu ích cho Chính phủ[10].

Phiên chất vấn sẽ có những câu hỏi chất vấn chính và những câu hỏi chất vấn theo chủ đề. Các câu hỏi chất vấn chính được in trong bản Chương trình làm việc, sau khi nghe xong câu trả lời, Nghị sĩ có thể đặt thêm câu hỏi bổ sung, vốn không được in sẵn trong bản Chương trình làm việc.

Câu hỏi chất vấn theo chủ đề mang đến cho Nghị sĩ cơ hội chất vấn về bất cứ khía cạnh nào trong trách nhiệm của cơ quan Chính phủ. Những câu hỏi này thường được đưa ra vào 15 phút cuối của phiên chất vấn. Không có giới hạn nào về số lượng các câu hỏi bằng văn bản mà Nghị sĩ có thể nêu ra. Các câu hỏi bằng văn bản, có thể được viết tay hoặc bản điện tử, sẽ được gửi cho bộ phận thư ký nghị viện và được lưu lại trong Báo cáo chính thức của Quốc hội để phổ biến rộng rãi và có thể truy cập được[11].

Tại Thượng viện Anh, phiên chất vấn thường diễn ra vào 30 phút đầu tiên trong chương trình làm việc, từ Thứ 2 đến Thứ 5 (ngày họp phiên toàn thể). Khác với phiên chất vấn ở Hạ viện, tại Thượng viện, các Thượng nghị sĩ đặt câu hỏi cho toàn thể Chính phủ nói chung, không phải cho một cơ quan cụ thể của Chính phủ. Câu hỏi chất vấn của Thượng Nghị sĩ có thể đệ trình từ 1 tháng đến 24h trước phiên chất vấn, các câu hỏi theo chủ đề thì cần đệ trình trước 2 ngày. Các câu hỏi cũng sẽ được in trong bản Chương trình làm việc của Thượng viện.

Trình tự đặt câu hỏi chất vấn của Thượng viện Anh cũng có nhiều điểm khác Hạ viện. Nếu ở Hạ viện, việc xếp lượt chất vấn được tiến hành theo chỉ định của Chủ tịch Hạ viện, thì ở Thượng viện Anh, các Thượng nghị sĩ tự đứng dậy và chất vấn, luân phiên giữa phe Chính phủ, phe đối lập và các thành phần khác. Trong một số trường hợp, các Thượng nghị sĩ sẽ can thiệp để đảm bảo phân bố công bằng quyền chất vấn trong hội trường. Nếu không thể quyết định ai là người chất vấn tiếp theo, Chủ tịch Thượng viện sẽ là người can thiệp.

Thực tế, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, thông lệ này đã có ngoại lệ khi danh sách chỉ định đã được sử dụng trong các phiên chất vấn tại Thượng viện Anh từ tháng 4/2020 đến tháng 12/2021 do có một số Thượng nghị sĩ tham gia bằng hình thức trực tuyến. Trong ngày làm việc của Thượng viện, mỗi Thượng nghị sĩ có thể đưa ra nhiều nhất là 6 câu hỏi chất vấn yêu cầu trả lời bằng văn bản[12].

1.3 Hoạt động chất vấn ở Nghị viện Canada

Tại Hạ viện Canada, mỗi ngày họp phiên toàn thể, phiên chất vấn bắt đầu từ 2 giờ 15 phút chiều (trừ ngày Thứ 6 sẽ bắt đầu từ 11 giờ 15 phút). Kéo dài tối đa 45 phút, phiên chất vấn bắt đầu bằng câu hỏi của lãnh đạo phe đối lập trong Hạ viện[13]. Thứ tự chất vấn được sắp xếp theo danh sách luân phiên đã được thống nhất, dựa trên đại diện, số lượng thành viên của các đảng trong Hạ viện. Các thành viên của đảng cầm quyền và các thành viên độc lập trong Hạ viện cũng được phép đặt câu hỏi, nhưng không thường xuyên như thành viên của các đảng đối lập chính thức[14].

Người chất vấn phải ngồi đúng vị trí được chỉ định, câu hỏi được xem như gửi tới người bị chất vấn thông qua Chủ tọa. Các câu hỏi phải liên quan đến vấn đề thuộc trách nhiệm quản lý của Nhà nước, ngắn gọn và mang tính chất truy vấn thông tin. Các câu hỏi chất vấn có thể gửi tới các Bộ trưởng, người phát ngôn của Hội đồng Kinh tế quốc nội, hoặc Chủ nhiệm một Ủy ban nếu phù hợp với chương trình nghị sự của Ủy ban đó[15].

Tuy người chất vấn luôn hướng đến một người trả lời chất vấn cụ thể, nhưng các câu hỏi chất vấn luôn được gửi chung tới nội các. Hạ nghị sĩ không được gây sức ép với việc trả lời, cũng không được ràng buộc một Bộ trưởng cụ thể phải trả lời chất vấn. Cũng như người chất vấn, người bị chất vấn phải ngồi đúng vị trí đã được chỉ định khi trả lời, và câu trả lời xem như được gửi tới người chất vấn thông qua Chủ tọa. Bộ trưởng có thể trả lời chất vấn, hoặc trì hoãn việc trả lời, giải thích ngắn gọn lý do không thể đưa ra câu trả lời ngay lập tức vào thời điểm đó, hoặc không trả lời.

Nếu một câu hỏi đòi hỏi dung lượng thông tin lớn để trả lời, hoặc liên quan nhiều đến các vấn đề kỹ thuật chuyên môn, nhiều dữ liệu chi tiết, người đặt câu hỏi cần gửi câu hỏi bằng văn bản, thông báo về việc chất vấn bằng văn bản phải được gửi đi trước phiên chất vấn 48h. Mỗi Hạ nghị sĩ được đặt tối đa 4 câu hỏi như vậy, các câu hỏi sẽ được gắn số hiệu để in trong bản Chương trình làm việc. Câu hỏi gửi qua văn bản cũng phải thỏa mãn các yêu cầu đặt ra cho các câu hỏi trực tiếp, đồng thời phải đảm bảo mạch lạc và súc tích, và có chủ đề liên quan đến các vấn đề công. Người chất vấn bằng văn bản có thể yêu cầu người bị chất vấn đưa ra câu trả lời trong vòng 45 ngày; hoặc trả lời trực tiếp đối với không quá 3 câu hỏi đã được đưa ra.

Tại Thượng viện Canada, việc chất vấn và trả lời chất vấn được thực hiện trong mỗi ngày làm việc để đảm bảo trách nhiệm giải trình. Câu hỏi chất vấn có thể được gửi trực tiếp tới lãnh đạo Chính phủ về các vấn đề công, hoặc gửi tới Bộ trưởng kiêm Thượng nghị sĩ nếu về các vấn đề trong phạm vi phụ trách của Bộ trưởng. Một số câu hỏi chất vấn cũng có thể được đặt ra cho Chủ tịch Ủy ban về các hoạt động của Ủy ban.

Phiên chất vấn kéo dài không quá 30 phút, được tổ chức theo hướng đảm bảo các quy tắc ứng xử trang trọng như thường lệ. Câu hỏi chất vấn và câu trả lời ngắn gọn, đưa ra nhận xét cụ thể, không nên đưa cuộc chất vấn theo hướng tranh luận. Trong thời gian chất vấn, các Thượng Nghị sĩ có thể đặt thêm câu hỏi bổ sung về cùng một chủ đề. Dù lãnh đạo phe đối lập trong Thượng viện có thể trình Chủ tịch Thượng viện một danh sách các Thượng Nghị sĩ muốn tham gia chất vấn, Chủ tịch Thượng viện không bắt buộc phải chỉ định theo danh sách này, mà có thể chỉ định một Thượng Nghị sĩ bất kỳ có ý muốn chất vấn để nêu câu hỏi. Khi không thể có câu trả lời ngay lập tức cho câu hỏi vừa nêu, câu hỏi sẽ được bảo lưu trong hồ sơ để chờ câu trả lời bằng văn bản. Hiện không có giới hạn thời gian cho việc trả lời chất vấn bằng văn bản. Các câu hỏi yêu cầu thông tin, số liệu, dữ liệu chi tiết, hoặc những câu hỏi yêu cầu phải có câu trả lời bằng văn bản, cần được gửi tới Thư ký Thượng viện để lưu trữ, công bố một cách hệ thống nhằm thúc đẩy việc trả lời chất vấn bằng văn bản[16].

Không quá 30 phút kể từ khi bắt đầu, Chủ tịch Thượng viện sẽ thông báo rằng các câu hỏi còn lại sẽ được bảo lưu và trả lời sau, phiên chất vấn kết thúc. Sau phiên chất vấn, tất cả các câu hỏi chất vấn cần trả lời bằng văn bản đều được thống kê trong tài liệu, câu trả lời bằng văn bản sẽ được gửi tới Thượng Nghị sĩ nêu câu hỏi chất vấn, đồng thời cũng sẽ được sắp xếp công bố, đăng tải theo cách phù hợp.

2. Hoạt động chất vấn ở Quốc hội Việt Nam

Chất vấn tại phiên họp toàn thể của Quốc hội thường được tổ chức trong Kỳ họp Quốc hội vào tháng 6, tháng 11 hàng năm. Đối với việc lựa chọn vấn đề chất vấn, người bị chất vấn, trước phiên chất vấn, đại biểu Quốc hội ghi vấn đề chất vấn, người bị chất vấn vào phiếu chất vấn và gửi đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Căn cứ vào chương trình kỳ họp, ý kiến, kiến nghị của cử tri, vấn đề xã hội quan tâm và phiếu chất vấn của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội quyết định nhóm vấn đề chất vấn và người bị chất vấn. Trong suốt quá trình chuẩn bị, tổ chức và tiến hành phiên chất vấn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Lãnh đạo Quốc hội chủ động cho ý kiến bước đầu về cách thức tổ chức chất vấn, trình tự, thủ tục lựa chọn nhóm vấn đề chất vấn và việc ban hành nghị quyết chất vấn[17].

Hoạt động chất vấn tại kỳ họp Quốc hội được tiến hành theo trình tự sau: Chủ tịch Quốc hội hoặc Phó Chủ tịch Quốc hội được phân công điều hành phiên chất vấn nêu nhóm vấn đề đề nghị đại biểu Quốc hội tập trung chất vấn. Đại biểu Quốc hội đăng ký chất vấn qua hệ thống điện tử. Chủ tịch Quốc hội hoặc Phó Chủ tịch Quốc hội được phân công điều hành phiên chất vấn mời từng đại biểu Quốc hội chất vấn theo thứ tự đăng ký; mời người bị chất vấn trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về vấn đề thuộc trách nhiệm của mình. Đại biểu Quốc hội nêu chất vấn, có thể cung cấp thông tin minh họa bằng hình ảnh, video, vật chứng cụ thể. Người bị chất vấn phải trả lời trực tiếp, đầy đủ vấn đề mà đại biểu Quốc hội đã chất vấn, không được ủy quyền cho người khác trả lời thay. Trường hợp đại biểu Quốc hội không đồng ý với nội dung trả lời chất vấn thì có quyền chất vấn lại để người bị chất vấn trả lời.

Căn cứ nội dung và tình hình thực tế, Chủ tịch Quốc hội hoặc Phó Chủ tịch Quốc hội được phân công điều hành phiên chất vấn mời đại biểu Quốc hội đã đăng ký phát biểu tranh luận nội dung trả lời của người bị chất vấn; khi có nhiều đại biểu Quốc hội đăng ký tranh luận về cùng vấn đề đang được chất vấn thì đại biểu Quốc hội đã nêu chất vấn về vấn đề đó được ưu tiên tranh luận trước. Cuối phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội hoặc Phó Chủ tịch Quốc hội được phân công điều hành phiên chất vấn phát biểu kết thúc phiên chất vấn[18].

Với mỗi lĩnh vực, ngoài trưởng ngành chịu trách nhiệm chính trong việc trả lời chất vấn, các thành viên Chính phủ, các quan chức khác cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan. Chẳng hạn, tại Kỳ họp 4, Chương trình Phiên họp chất vấn và trả lời chất vấn đã nêu rõ, đối với việc trả lời chất vấn về lĩnh vực thanh tra, ngoài Tổng Thanh tra Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách ngành, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan. Thực tế, tại phiên chất vấn này, Phó Thủ tướng Chính phủ cùng Bộ trưởng Bộ Công Thương đã cùng tham gia trả lời chất vấn, làm rõ vấn đề các đại biểu quan tâm.

Mỗi lần chất vấn, đại biểu Quốc hội nêu chất vấn không quá 01 phút. Người bị chất vấn trả lời chất vấn không quá 03 phút đối với mỗi câu hỏi. Đại biểu Quốc hội được quyền tranh luận với người bị chất vấn để làm rõ hơn vấn đề đang được chất vấn; không được sử dụng quyền tranh luận để nêu câu hỏi chất vấn hoặc tranh luận với đại biểu Quốc hội đã chất vấn trước đó; thời gian mỗi lần tranh luận không quá 02 phút. Dù không có quy định cụ thể, nhưng trong những kỳ họp gần đây, phiên chất vấn thường kéo dài 2,5 ngày[19].

Tại phiên chất vấn Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, có 134 lượt đại biểu tham gia chất vấn, trong đó có 12 lượt đại biểu đặt câu hỏi đối với Thủ tướng Chính phủ, có 24 lượt đại biểu Quốc hội tiến hành tranh luận[20]. Tại phiên chất vấn Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, có 266 lượt đại biểu Quốc hội đăng ký tham gia chất vấn, có 131 lượt đại biểu Quốc hội đã thực hiện quyền chất vấn, trong đó có 34 đại biểu đặt câu hỏi đối với Phó Thủ tướng Chính phủ, có 28 lượt đại biểu Quốc hội đã tiến hành tranh luận, 133 đại biểu đăng ký nhưng do hết thời gian chưa được chất vấn[21]. Tại phiên họp thứ 4, có 345 lượt đại biểu Quốc hội đăng ký tham gia chất vấn, trong đó có 149 lượt đại biểu đã chất vấn và 22 lượt đại biểu tranh luận[22].

Trong trường hợp đại biểu Quốc hội muốn chất vấn về nội dung không thuộc nhóm vấn đề chất vấn tại kỳ họp, hoặc vấn đề chất vấn cần được điều tra, xác minh, hoặc câu hỏi chất vấn tại kỳ họp nhưng chưa được trả lời, người bị chất vấn phải trực tiếp trả lời bằng văn bản. Văn bản trả lời chất vấn được gửi đến đại biểu Quốc hội đã chất vấn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội và được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Quốc hội chậm nhất là 20 ngày kể từ ngày chất vấn, trừ tài liệu mật theo quy định của pháp luật.

Sau phiên chất vấn, Quốc hội sẽ ra nghị quyết về chất vấn với những nội dung cơ bản như: Đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của người bị chất vấn, những hạn chế, bất cập và nguyên nhân liên quan đến vấn đề chất vấn; thời hạn khắc phục hạn chế, bất cập; trách nhiệm thi hành của cơ quan, cá nhân; trách nhiệm báo cáo kết quả thực hiện nghị quyết về chất vấn[23].

Chậm nhất là 20 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp, người đã trả lời chất vấn có trách nhiệm gửi báo cáo về việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội về chất vấn, các vấn đề đã hứa tại các kỳ họp trước đến đại biểu Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Báo cáo về việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội về chất vấn, các vấn đề đã hứa được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Quốc hội.

Tại kỳ họp cuối năm của năm giữa nhiệm kỳ và kỳ họp cuối năm của năm cuối nhiệm kỳ, Quốc hội xem xét, thảo luận báo cáo tổng hợp của các thành viên Chính phủ, báo cáo của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước và những người bị chất vấn khác về việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chất vấn và các vấn đề đã hứa tại các kỳ họp Quốc hội, phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Ngoài hình thức chất vấn tại phiên họp toàn thể, Quốc hội còn có hình thức chất vấn tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với nhiều nét tương tự trong tổ chức thực hiện. Từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến nay, vào các phiên họp thường kỳ tháng 3, tháng 8 hàng năm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tổ chức phiên chất vấn theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có sự tham gia của tất cả các đại biểu Quốc hội từ Hội trường Diên Hồng hoặc thông qua 62 điểm cầu trực tuyến của các Đoàn đại biểu Quốc hội tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Về việc lựa chọn người bị chất vấn và chủ đề chất vấn, trong thời gian giữa hai kỳ họp Quốc hội, đại biểu Quốc hội ghi vấn đề chất vấn, người bị chất vấn vào phiếu chất vấn và gửi đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Căn cứ chương trình phiên họp, ý kiến, kiến nghị của cử tri, vấn đề mà xã hội quan tâm và phiếu chất vấn của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định nhóm vấn đề chất vấn, người bị chất vấn, thời gian chất vấn.

Phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thường kéo dài hết một ngày làm việc, nội dung chất vấn về 2 lĩnh vực khác nhau, do hai thành viên Chính phủ chịu trách nhiệm trả lời chính. Ví dụ, tại phiên họp thứ 9 ngày 16/3/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương và Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường[24]; tại phiên họp thứ 14 ngày 10/8/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ Công an và Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch[25]; tại phiên họp thứ 21 ngày 20/3/2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chất vấn Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao[26].

3. Một số gợi mở nhằm nâng cao chất lượng hoạt động chất vấn của Quốc hội Việt Nam

Từ kinh nghiệm, cách thức tổ chức hoạt động chất vấn ở nghị viện một số quốc gia trên thế giới như đã nêu, có thể rút ra một số gợi mở có thể tham khảo nhằm nâng cao chất lượng hoạt động chất vấn ở Quốc hội nước ta như sau:

Thứ nhất, việc tổ chức các phiên chất vấn cần được thực hiện thường xuyên hơn.

Có thể thấy Quốc hội Việt Nam tổ chức không nhiều các phiên chất vấn (thông thường 4 phiên trong một năm, gồm 2 phiên chất vấn tại Kỳ họp và 2 phiên chất vấn tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội), mỗi phiên chất vấn đều có thời lượng dài (khoảng từ 1 ngày đến 2,5 ngày làm việc). Trong khi đó, phiên chất vấn ở các nghị viện nước ngoài chỉ là một phần thời lượng làm việc trong ngày và kéo dài từ 1 đến 2 giờ, được tổ chức khá thường xuyên và liên tục. Việc tổ chức các phiên chất vấn nhiều và ngắn có tác dụng giúp Quốc hội đề cập kịp thời đến những vấn đề mới phát sinh, nâng cao năng lực và cường độ hoạt động của cả Quốc hội và Chính phủ, tạo ra áp lực thường trực đối với các thành viên Chính phủ để nâng cao trách nhiệm giải trình, tạo mối gắn kết thường xuyên và chặt chẽ hơn nữa giữa người dân và Quốc hội, Chính phủ.

Thứ hai, việc tổng hợp, công bố, lưu trữ và theo dõi quá trình trả lời câu hỏi chất vấn cần được tiến hành một cách khoa học, bài bản, có hệ thống hơn.

Hiện nay, các phiên chất vấn tại Kỳ họp Quốc hội, tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ở nước ta thường được truyền hình trực tiếp để nhân dân và cử tri cùng theo dõi. Tuy nhiên, với những câu hỏi gửi tới cơ quan có thẩm quyền qua văn bản và câu trả lời cũng được đưa ra bằng văn bản thì nhân dân và cử tri có ít cơ hội được tiếp cận. Ở nghị viện một số nước, các câu hỏi gửi bằng văn bản được tổng hợp, lưu trữ và in trong một văn bản thông báo hàng ngày của nghị viện để theo dõi quá trình trả lời chất vấn. Văn bản thông báo này cũng được đăng tải công khai để cử tri và nhân dân cùng tiếp cận. Những câu hỏi chất vấn gần hết thời hạn trả lời sẽ nhận được sự quan tâm của dư luận, tạo áp lực tới cơ quan có thẩm quyền. Ngoài ra, việc tổng hợp, công bố, lưu trữ câu trả lời bằng văn bản của các cơ quan có thẩm quyền đối với các vấn đề đại biểu Quốc hội đã chất vấn là rất quan trọng, đó sẽ là căn cứ để theo dõi, đánh giá về tiến độ hoàn thành cam kết, giải quyết vấn đề của Chính phủ. Lưu trữ một cách hệ thống cũng có ích trong việc phân tích dữ liệu các chủ đề đang được quan tâm, từ đó có được cái nhìn toàn cảnh về các vấn đề Quốc hội và Chính phủ đang đối mặt trong dài hạn.

Thứ ba, cần kết hợp, phát huy thế mạnh của việc thực hiện chất vấn, trả lời chất vấn trực tiếp và qua văn bản, để hai phương thức này bổ sung lẫn nhau.

Trong hoạt động chất vấn hiện nay của Quốc hội Việt Nam, thường là câu hỏi trực tiếp sẽ được trả lời trực tiếp, câu hỏi bằng văn bản sẽ được trả lời bằng văn bản. Câu trả lời trực tiếp có ưu điểm là thời gian trả lời ngắn, thông điệp truyền tải gọn, thể hiện rõ thái độ, tinh thần của người trả lời, nhưng có nhược điểm là không cung cấp thông tin, dữ liệu một cách chi tiết, cách diễn đạt có thể không đủ rõ ràng. Câu trả lời qua văn bản sẽ mất nhiều thời gian, không thể đưa ra ngay lập tức, nhưng có ưu điểm là truyền tải đầy đủ thông tin dữ liệu chi tiết, diễn đạt có cân nhắc, đảm bảo được tính chính xác về ngôn từ, đặc biệt là đối với các vấn đề phức tạp. Đối với những câu hỏi chất vấn trực tiếp tại hội trường, sau khi trả lời trực tiếp, người bị chất vấn có thể bổ sung thêm cho câu trả lời của mình bằng một văn bản đầy đủ, chi tiết và toàn diện hơn. Đây cũng là một cơ chế linh hoạt để đính chính những thông tin, dữ liệu chưa được chính xác khi phát ngôn tại hội trường. Tuy nhiên, việc bổ sung câu trả lời bằng văn bản này phải đảm bảo không làm thay đổi tinh thần, thông điệp đã được truyền tải tại phiên chất vấn trực tiếp./.

[1] House of Representatives, House of Representatives Practice, Seventh edition, June 2018.

[2] House of Representatives, Parliamentary Debates (Hansard—House of Representatives), 1996.

[3] House of Representatives, Standing order. The House of Representatives standing orders as at 13 September 2016.

[4] Department of the Senate, Senate Brief No.12 Questions, January 2023, p. 1.

[5] Commonwealth of Australia 2008, "First report of 2008 Restructuring question time; Reference of bills to committees; Questions to chairs of committees; Deputy chairs of committees and Leave to make statements", 16 September 2008.

[6] Department of the Senate, Standing Orders and Other Orders of the Senate, Canberra, January 2020.

[7] Rosemary Laing (ed.), Odgers’ Australian Senate Practice, 14th edn, Department of the Senate, Canberra, 2016, p. 620.

[8] Department of the Senate, Standing Orders and Other Orders of the Senate, Canberra, January 2020.

[9] UK Parliament, “Question time”, < https://www.parliament.uk/about/how/business/questions/ > accessed 19 April 2023.

[10] Hardman, Isabel (31 January 2023). "Are Tory MPs resigned to defeat?". The Spectator. Retrieved 1 February 2023.

[11] House of Commons Information Office, "Parliamentary Questions: House of Commons Information Office Factsheet P1, June 2005.

[12] UK Parliament, “Question time”, < https://www.parliament.uk/about/how/business/questions/ > accessed 19 April 2023.

[13] Daily Proceedings - the Daily Program - House of Commons Procedure and Practice, Third edition, 2017.

[14] Marc Bosc and André Gagnon, House of Commons Procedure and Practice, Third Edition, 2017.

[15] John Benjamin Stewart, The Canadian House of Commons: Procedure and Reform, Montreal: McGill-Queen’s University Press, 1977.

[16] Senate of Canada, Senate Procedure in Practice, 2015.

[17] GS.TS. Vương Đình Huệ, “Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội, góp phần kiểm soát quyền lực và tổ chức thực hiện thắng lợi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”, Tạp chí Cộng sản, 15/9/2022.

[18] Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015.

[19] Quốc hội, Nội quy Kỳ họp Quốc hội ban hành kèm theo Nghị quyết số 71/2022/QH15 ngày 15/11/2022 của Quốc hội.

[20] Trung Dũng Toản, “Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Phiên chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra dân chủ, thẳng thắn với tinh thần trách nhiệm cao”, Nhân dân, 12/11/2021.

[21] T. Hà, “Phiên chất vấn sôi nổi, đáp ứng được sự kỳ vọng của nhân dân”, Báo Bình Thuận, 12/6/2022.

[22] Mai Hữu, “Phiên chất vấn và trả lời chất vấn có tinh thần trách nhiệm cao”, Hà Nội Mới, 05/11/2022.

[23] Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015.

[24] Báo điện tử Thanh Hóa, “Phiên họp thứ 9 Ủy ban thường vụ Quốc hội: Chất vấn và trả lời chất vấn đối với lĩnh vực công thương, tài nguyên - môi trường”, 17/3/2022.

[25] Nguyễn Hoàng, “Ủy ban thường vụ Quốc hội chất vấn 2 Bộ trưởng tại phiên họp thứ 14”, Báo điện tử Chính phủ, 05/8/2022.

[26] Tiến Thành, “Khai mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên họp thứ 21 của Ủy ban thường vụ Quốc hội”, Hà Nội mới, 20/3/2023.

(Bài viết được đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 15 (487), tháng 08/2023.)

In bài viết
FANPAGE
dcbbe_350x495ldlmd350x495stp350x495bannercicircle350x495

"Pháp luật là đạo đức biểu hiện ra bên ngoài, đạo đức là pháp luật ẩn giấu bên trong"